Các loại côn trùng nói chung và đặc biệt là muỗi nói riêng là những mối đe dọa lớn cho đời sống con người. Khi bị muỗi đốt, bạn không chỉ cảm thấy khó chịu bởi những vết sưng tấy, cảm giác ngứa ngáy khó chịu tức thời mà còn có nguy cơ mắc phải một số căn bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng… Hơn nữa, muỗi còn là tác nhân lan truyền bệnh từ người này sang người khác. Muỗi cái hút máu người và động vật bị bệnh sẽ mang theo virút và ký sinh truyền cho những người và động vật khác bị chúng chích thông qua nước bọt và chất chống đông máu chúng tiêm vào nạn nhân trước khi hút máu. Chính vì vậy, việc diệt trừ muỗi là hết sức cần thiết.
Trước đây, người ta thường sử dụng thuốc hoặc vợt để diệt muỗi. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp dùng thuốc diệt muỗi một thời gian, người ta nhận thấy rằng: muỗi có khả năng phát hiện mùi của thuốc, chúng ghét ngửi mùi này và sẽ tìm cách để tránh. Còn khi sử dụng vợt muỗi, người ta phải mất nhiều thời gian để cầm vợt bắt muỗi, số lượng cũng không được nhiều mà lại tạo ra những âm thanh lách tách khó chịu, nhất là khi dùng vợt bắt muỗi vào ban đêm. Cả hai cách này đều không mấy đem lại hiệu quả. Vì vậy, để cải tiến phương pháp diệt muỗi, đem lại hiệu quả cao hơn, người ta đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp diệt muỗi bằng đèn diệt muỗi (đèn diệt côn trùng). Hiện nay, các loại đèn diệt côn trùng đang được rất nhiều người sử dụng để bắt muỗi vì đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao mà lại vô cùng tiện lợi.
Chắc hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc: đèn diệt côn trùng bắt muỗi như thế nào? Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu cụ thể để bạn hiểu đèn diệt côn trùng bắt muỗi ra sao.
1. Đèn bắt muỗi được chế tạo dựa vào đặc tính sinh thái học của muỗi
Mỗi buổi tối, khi bật điện trong nhà, bạn thường thấy muỗi xuất hiện nhiều hơn. Đó là vì muỗi cũng như nhiều loại côn trùng khác nói chung có đặc tính sinh thái học là bị thu hút bởi nguồn sáng, chúng sẽ hướng về những nơi có ánh sáng, nhất là ánh sáng đèn điện. Dựa vào đặc tính này, người ta thiết kế những loại đèn chiếu sáng nhằm mục đích thu hút muỗi hướng đến gần đèn, kết hợp với một số kỹ thuật nữa – tùy từng loại đèn (chúng tôi sẽ nói đến ở phần sau) để diệt muỗi.

2. Nguyên lý hoạt động của đèn diệt côn trùng:
Đèn diệt muỗi bằng lưới điện:
Loại đèn này thường được cấu tạo bằng 1 hoặc 2 bóng điện, được thiết kế với ánh sáng phù hợp (về màu sắc, khả năng chiếu sáng) nhằm lôi kéo muỗi hoặc côn trùng nói chung tiến lại gần, bay vào phía trong – nơi có thiết kế thêm lưới điện, những lưới điện này sẽ phóng điện và đốt cháy muỗi, côn trùng ngay lập tức.
Thông thường, để loại đèn diệt côn trùng này đạt hiệu quả cao, chúng ta nên chọn loại bóng đèn có cường độ ánh sáng mạnh, có bước song ánh sáng trong khoảng 370 nm, công suất từ 10 watt trở lên.
Loại này hiện đang được sử dụng rất phổ biến vì một số ưu điểm sau:
– Mặc dù dùng lưới điện để đốt cháy muỗi ngay tức khắc nhưng nó không gây ra tiếng ồn lớn như cái vợt muỗi
– Công suất của đèn khá thấp (chỉ khoảng từ 6 – 20W) nhưng đủ mạnh để diệt gọn được muỗi mà lại an toàn cho người sử dụng và cũng rất tiết kiệm
– Thiết kế nhỏ gọn, rất tiện lợi khi sử dụng, có thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác một cách dễ dàng
– Không chỉ diệt được muỗi mà loại đèn này còn có thể hạ gục một số loại côn trùng khác như: ruồi, gián…

Đèn diệt muỗi bằng quạt hút :
Loại đèn này cũng sử dụng bóng đèn chiếu sáng để thu hút muỗi tới gần. Tuy nhiên, phía bên trong không được thiết kế lưới điện như loại đèn trên mà thay vào đó là quạt hút gió. Khi muỗi, côn trùng tới gần đèn, chiếc quạt sẽ hút muỗi vào bên trong, nhốt chúng lại không thoát ra được, chỉ trong thời gian ngắn muỗi sẽ bị chết bởi sức nóng, khô từ đèn chiếu.
Đây cũng là giải pháp vừa an toàn, tiết kiệm và cũng rất tiện lợi. Có nhiều loại được thiết kế với dạng hình thú dễ thương, có thể sử dụng làm đèn ngủ.